Tăng giá điện, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp
May 20, 2019
Có thể thấy, với việc tăng giá điện sắp tới đây sẽ giải tỏa áp lực đối với ngành điện. Tuy nhiên, theo dự báo giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và DN.
Bộ Công thương mới thông báo sẽ tăng giá điện vào tháng 3/2019. Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019. Đợt tăng giá điện gần nhất là ngày 1/12/2017 với mức tăng 6,08%. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá điện sẽ khiến không ít doanh nghiệp phải lo lắng khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo, nhất là với các DN sử dụng nhiều lượng điện năng như ngành thép, dệt may, xi măng…
Theo lý giải của EVN, việc tăng giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chi phí đầu vào là than nhập khẩu, dầu tăng cao, tỷ giá biến động… làm chi phí mua điện của EVN tăng. Bên cạnh đó là khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và nhiều yếu tố khác. Để đảm bảo EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, Bộ Công thương cho biết đã xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ năm 2019 theo đúng quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó việc tăng giá điện để đầu tư cho phát triển ngành điện vì tiêu dùng điện hiện nay ngày càng tăng cao.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến các mặt hàng có liên quan có đầu vào là điện và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng (GDP). Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ ảnh hưởng của giá điện đến CPI và GDP. Trên cơ sở kết quả tính toán này, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để xem xét, phân tích liều lượng điều chỉnh giá điện ở mức phù hợp. Mức giá điện được điều chỉnh cũng sẽ phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2019 của Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu CPI và GDP đã được Quốc hội thông qua.
So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc và Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia. Nếu giá điện lần này được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,080 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 5/3/2019), mức giá này sẽ tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. |
Trong cuộc trả lời báo chí ngày 5/3 về việc tăng giá điện, trước lo lắng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, tăng trưởng và các hộ tiêu thụ điện lớn như sản xuất thép, xi măng… đại diện Bộ Công thương cho biết các phương án điều chỉnh đã được cơ quan này tính toán để đảm bảo tác động là ít nhất. Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng CPI 0,26 – 0,31%, làm giảm GDP 0,22 – 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đã thông qua. Việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Mức tăng này đã được Chính phủ lựa chọn để đảm bảo CPI tăng vừa đủ, không tạo đột biến, không ảnh hưởng đến mức tạo ra khó khăn đột biến với nền kinh tế.
Có thể thấy, với việc tăng giá điện sắp tới đây sẽ giải tỏa áp lực đối với ngành điện. Tuy nhiên, theo dự báo giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và DN. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2019, ngành thép toàn cầu sẽ gặp rất nhiều thách thức, trong đó có Việt Nam. Thị trường thép toàn cầu hai tháng đầu tiên của năm 2019 ảm đạm với nhu cầu sử dụng thép của một số ngành suy yếu. Chính vì vậy việc sản xuất của DN thép trong nước đã gặp nhiều khó khăn. Các DN thép hiện nay đều sử dụng nguồn điện rất lớn để vận hành các nhà máy sản xuất. Do đó nếu giá điện tăng 8,36% chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN và đến giá bán sản phẩm. Chính vì vậy nếu giá điện tăng trong thời gian tới thì các DN ngành thép buộc phải có phương án nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào để giữ nguyên giá bán hiện nay. Đây là thách thức không nhỏ đối với những DN mà có lượng tồn kho còn lớn không thể tăng giá bán trong bối cảnh hiện nay.
Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc CTCP May Hồ Gươm cho biết, đối với các DN dệt may giá điện thường chiếm từ 30-35% giá thành sản phẩm. Những năm qua, DN đã chủ động đầu tư các công nghệ mới tiết kiệm điện để giảm chi phí. Tuy nhiên việc tăng giá điện vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí sản xuất và kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Giá điện tăng kéo theo giá thành sản phẩm phải tăng khiến cho DN sẽ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh. Thời gian tới giá điện tăng lên buộc DN phải tính toán lại chi phí, đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện tối đa để ổn định sản xuất kinh doanh.
Minh Nguyễn