Giá điện tăng: Doanh nghiệp niêm yết vui ít, lo nhiều
May 20, 2019
(ĐTCK) Giá điện dự kiến sẽ tăng 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Theo đó, giá bán điện bình quân hiện hành sẽ tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Với doanh nghiệp điện, giá điện tăng ít nhiều mang lại lợi ích, nhưng các doanh nghiệp khác, đó lại là “cơn đau đầu” dài hạn…
Doanh nghiệp điện nào được hưởng lợi?
Thực tế, giá bán điện của các công ty ngành điện đã được quy định trong hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nên khi giá điện thành phẩm tăng chưa hẳn sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất điện.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (mã VSH) cho biết, Công ty đã ký hợp đồng bán điện có kỳ hạn với EVN, nên việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của VSH.
Theo vị này, với các doanh nghiệp thủy điện, biến động giá điện đầu ra không quan trọng bằng tình hình thời tiết và việc khô hạn kéo dài như năm 2018 là một ví dụ. Tình trạng này đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của VSH, khi lợi nhuận quý IV/2018 sụt giảm 46,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành điện cho hay, giá bán lẻ điện tuy tăng, nhưng kỳ vọng việc mua điện từ các doanh nghiệp sản xuất điện với giá cao hơn là rất khó. Bởi hiện nay, giá bán điện của doanh nghiệp sản xuất điện cho EVN (ngoại trừ những dự án lớn được đàm phán trước giá bán điện trong 25 năm) được thỏa thuận qua từng năm do biến động chi phí đầu vào, trong khi giá bán điện giữa EVN và doanh nghiệp tiêu thụ điện là hợp đồng thương mại, được đàm phán trên cơ sở giá thành sản xuất và mức lợi nhuận biên.
Với các doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá bán điện đầu ra lại là tin vui. Đại diện CTCP Điện lực Khánh Hòa (mã KHP) cho biết, Công ty mua điện từ Tổng công ty Điện lực miền Trung (trực thuộc EVN) và bán lẻ cho người dân, nên giá điện tăng sẽ giúp lợi nhuận tăng.
“Trước đây, giá bán điện của KHP là do Chính phủ quy định và chỉ khi Chính phủ có quyết định điều chỉnh thì KHP mới được phép thay đổi giá bán điện. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công thương đã đưa vào vận hành thử nghiệm thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), trong đó có 5 công ty bán lẻ điện (bên mua, bao gồm Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP. HCM – đều là công ty con của EVN) và các nhà sản xuất điện (bên bán) đã tham gia vào thị trường mô phỏng, từ đó lấy ra các thông số thị trường như cung – cầu, nguồn huy động… để xác định giá điện huy động. Nếu giá điện huy động tăng thì giá bán ra cũng sẽ tăng theo”, vị này phân tích.
Thực tế, EVN đã đưa vào vận hành thí điểm VWEM có thanh toán thực đối với một phần sản lượng mua đầu nguồn của các tổng công ty phát điện. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành kể từ năm nay.
Trong khi đó, rất ít nhà máy điện mới được đưa vào hoạt động trong giai đoạn này, khiến dự phòng điện giảm. Do đó, các nhà máy điện sẽ tiếp tục được huy động với cường độ cao trong các năm tới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng.
Ngoài ra, giá điện bán lẻ sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên và thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành cũng là điều kiện cho các nhà máy phát điện có thể điều chỉnh tăng giá bán điện để phản ánh đúng hơn chi phí sản xuất điện và cung – cầu trên thị trường điện.
Đặc biệt, với những nhà máy sản xuất điện đã hết khấu hao thì càng có lợi. Đơn cử, tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), theo chia sẻ từ lãnh đạo PPC, hiện các nhà máy của Công ty đã hết khấu hao từ 6-7 năm nay, nên những áp lực từ biến động chi phí được tiết giảm. Vị này cho biết, đối với hợp đồng bán điện với EVN, hai bên đã có thỏa thuận mua bán điện lâu dài (suốt đời), trong đó có những điều khoản cân đối để đảm bảo cả đôi bên đều không bị ảnh hưởng từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng/giảm, hay biến động giá điện đầu ra…
Tương tự, CTCP Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (mã NT2) cũng đã ký hợp đồng bán điện vô thời hạn với EVN nên biến động giá bán điện không tác động nhiều đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo, năm 2019, NT2 ước đạt lợi nhuận sau thuế 7.462 tỷ đồng, tương đương EPS ở mức 2.511 đồng/cổ phiếu.
BVSC cũng cho rằng, NT2 được hưởng lợi nhờ EVN sẽ huy động nguồn điện từ các công ty nhiệt điện nhiều hơn, giá bán trên thị trường cạnh tranh có thể cao hơn do công suất lắp đặt tăng trưởng chậm hơn so với nhu cầu tiêu thụ điện, cũng như điều kiện thủy văn bất lợi cho các công ty thủy điện.
Cũng theo phân tích của BVSC, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (mã POW) là 1 trong 3 doanh nghiệp phát điện lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng cả trong ngắn hạn nhờ hết khấu hao ở Nhà máy Cà Mau và dài hạn nhờ đầu tư cũng như tiếp nhận thêm các nhà máy phát điện mới. Năm 2019, lợi nhuận của POW dự kiến tăng trưởng trên 50% và thu hút mạnh hơn dòng vốn từ các quỹ đầu tư, các quỹ ETF.
Báo cáo phân tích của CTCK Rồng Việt cũng cho rằng, mặc dù các cổ phiếu ngành điện đã phản ứng tương đối tích cực với thông tin về lộ trình tăng giá điện, nhưng việc điều chỉnh tăng giá bán điện sẽ ít có khả năng tạo ra tác động tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất điện do giá bán điện của các công ty trên bán cho EVN chủ yếu được tính dựa trên các yếu tố đầu vào.
Theo thống kê của CTCK VNDIRECT, P/E trung bình của các cổ phiếu thủy điện hiện là 9,2 lần, thấp hơn so với P/E của toàn thị trường chứng khoán là 15,9 lần, trong khi P/B trung bình của cổ phiếu thủy điện là 1,4 lần so với P/B trung bình của VN-Index là 2,5 lần. Ngoài ra, tỷ suất cổ tức trung bình của các cổ phiếu thủy điện là 8,3%, cao hơn đáng kể so với tỷ suất cổ tức trung bình của VN-Index là 2,1%.
Với doanh nghiệp thủy điện, tuy khả năng mở rộng công suất phát điện hạn chế, nhưng lại có sự ổn định trong hoạt động kinh doanh, dòng tiền tốt và tỷ suất cổ tức cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy điện sẽ có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận trong các năm tới nhờ giá bán điện tăng và chi phí khấu hao nhà máy giảm dần.
Doanh nghiệp sản xuất “đau đầu” với giá điện tăng
Nếu như thông tin về giá điện tăng ít nhiều tác động đến các doanh nghiệp điện, thì với các doanh nghiệp tiêu thụ điện, đây là áp lực lớn, bởi giá điện tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành thép.
Theo chia sẻ từ giám đốc một doanh nghiệp thép đang niêm yết trên sàn HNX, chi phí về điện hiện đang chiếm khoảng 8-9% giá thành sản phẩm thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ đạt khoảng 6%. Do vậy, việc giá điện tăng tác động không nhỏ đến hoạt động của công ty. Giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng là tăng giá thành sản phẩm, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tăng giá cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.
“Chỉ với 2 nhà máy đã tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng, nên khi chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm”, vị giám đốc trên nói.
Tuy vậy, doanh nghiệp sản xuất thép cũng chia làm nhiều loại, có doanh nghiệp áp dụng lò điện, nhưng cũng có doanh nghiệp áp dụng công nghệ lò cao. Với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ lò điện sẽ tiêu thụ rất nhiều điện và tất yếu chịu ảnh hưởng khi giá điện tăng.
Ở các doanh nghiệp sản xuất xi măng, trong cơ cấu giá xi măng, chi phí cho năng lượng chiếm 60%, nên giá điện tăng cũng là sức ép. Tính toán từ Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho thấy, nếu áp khung giá điện cũ, với năng lực sản xuất 24-25 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng công ty phải chi khoảng 300 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, tổng công ty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền điện – đây là một con số không nhỏ.
Ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Kiên Hùng cho biết, giá điện tăng cũng gây tác động nhất định đến các doanh nghiệp ngành thủy sản, vì các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều điện trong khâu chế biến.
“Việc giá điện tăng 8,36% sẽ khiến chúng tôi phải chi thêm cả trăm triệu đồng tiền điện, trong khi các chi phí khác cũng tăng nên phải tính toán, cân đối hợp lý tất cả chi phí để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm”, ông Dũng nói.
Theo tính toán của VNDIRECT, nếu so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh và việc điều chỉnh giá điện có thể khiến cho lạm phát năm 2019 gia tăng.
Hoàng Anh